Thoát nghèo nhờ nghề may comple, veston

12:10 17/10/2016

Cách trung tâm Hà Nội hơn 30km, di chuyển theo đường quốc lộ 1A, đến với xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên bạn sẽ đến với làng nghề may comple, veston . Dù trải qua không biết bao nhiều sóng gió có lúc tưởng chừng làng nghề sẽ không còn nhưng với tình yêu với nghề, những người dân lại giữ lửa nghề và truyền lại cho đến bây giờ.

Chắc hẳn, ai cũng sẽ tò mò không biết vì sao một vùng nông thôn dân dã lại có thể sản xuất ra thứ trang phục quý tộc như comple, veston. Thế nhưng phải đến tận nơi, chứng kiến tất cả mới thấy được rằng những bộ comple lộng lẫy ấy đã được bình dân hóa một cách ngạc nhiên.

Rất nhiều biển hiệu may veston, comple xuất hiện

Theo người dân kể lại, ông tổ nghề may comple của Vân Từ là cụ Đào Văn Dự. Từ những năm 20 của thế kỉ trước, cụ Đào Văn Dự cùng một số người trong lòng lặn lội lên Hà Nội theo học nghề. Sau nhiều năm tha phương làm việc, cụ cùng một số người bạn già quyết tâm quay trở về quê hương mở lớp truyền nghề cho nhiều thế hệ thanh niên trong làng.

Từ đó nghề may phát triển cho đến tận bây giờ, nhiều thôn trong xã Vân Từ có 90% số hộ tham gia vào nghề may. Từ một xã làm nông, Vân Từ đã chuyển mình thành một xã có nhiều thương gia với những cơ sở có số vốn xấp xỉ 1 tỷ đồng.

Không có bất kì một thành công nào mà không có khó khăn. Đã có những khoảng thời gian, nghề may Vân Từ rơi vào khủng hoảng, người dân điêu đứng phải tìm những công việc xa quê hương để kiếm sống. Rồi vì lòng yêu nghề mà quay trở lại vực dậy nghề may. Sự khéo léo, tinh tế trong từng đường may, tăng chất lượng sản phẩm, những người thợ Vân Từ đã dần lấy lại được sự tin tưởng của khách hàng.

Nhiều gia đình thoát nghèo nhờ nghề may

Veston ở Vân Từ có những đặc điểm nổi bật so với nơi khác là gồm 4 lớp: vải, mùng, lót và bông. Nhờ 4 lớp nên chiếc áo trở nên dày hơn, bền và không bị nhàu. Thời điểm Vân Từ có nhiều đơn đặt hàng nhất là vào những tháng chớm đông từ tháng 9 đến tháng 12. Người dân có nhu cầu may comple, veston để mặc và sắm cho ngày lễ tết. Nhờ có nghề may mà giờ đây những nông dân chân lấm tay bùn đã không còn phải vất vả như trước, những ngôi nhà khang trang mọc lên, đường sá bê tông hóa biến một xã vùng chiêm trũng thoát khỏi cảnh nghèo.

Có thể nói rằng, nghề may comple, veston đã mang lại cho người dân một cuộc sống no ấm, mong rằng họ sẽ mãi bảo tồn và phát triển nghề may để càng ngày sản phẩm càng chất lượng và có tiếng vang không chỉ trong nước mà còn với bạn bè quốc tế.

Xem thêm: Nhìn ngắm bức tranh đồng quê Chanh Thôn