Hội thảo Phát triển sản phẩm du lịch thành phố Hòa Bình năm 2019

12:05 28/05/2019
 Chiều 28/05/2019, tại thành phố Hòa Bình, UBND thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch thành phố Hòa Bình năm 2019”, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm du lịch, từng bước đưa ngành du lịch thành phố Hòa Bình phát triển trong thời gian tới. Công ty CPTM Gia Phạm là đơn vị thực hiện chương trình Hội thảo này. 
 Đến dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Chương - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, PGS.TS Vũ Khắc Nguyên - Trưởng ban Hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga, PGS.TS Lê Huyên - Chủ Tịch Hiệp hội Thiết kế Mẫu &  Sáng tạo Mỹ Thuật Việt Nam, Chuyên gia đánh giá cảnh quan, PGS.TS Phạm Văn Dương - Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và hơn 200 đại biểu là lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện và tỉnh bạn, các Hiệp hội Du lịch cùng các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành và cơ quan thông tấn báo chí.

Du lịch Hòa Bình


Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Thanh Huy - Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình khẳng định “Thành phố Hòa Bình có nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn rất phong phú và đặc sắc, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch”. Đó là thiên nhiên đa dạng với nhiều cảnh quan đẹp, nổi bật là Hồ Hòa Bình được  ví như “Vịnh Hạ Long” trên núi, Động Tiên Phi, Núi cô, Thác Giăng, Rừng Lim xã Dân chủ… Bên cạnh đó, còn có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, cấp tỉnh như Nhà tù Hòa Bình, Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Trường Thanh niên lao động XHCN - địa điểm Bác Hồ về thăm, Chùa Hòa Bình Phật Quang, Đình Ngòi, Bảo tàng di sản văn hóa Mường, Bảo tàng không gian văn hóa Mường và nhiều sắc thái văn hóa đặc trưng trong ẩm thực, trang phục, lễ hội, nghề thủ công… của các tộc người Kinh, Mường, Dao, Tày, Thái, Mông, Hoa. 

Những năm gần đây, ngành du lịch thành phố Hòa Bình đã đầu tư, khai thác các nguồn tài nguyên để hình thành nên hệ thống sản phẩm du lịch tương đối đa dạng như các dịch vụ nghỉ cuối tuần, du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, mua sắm, tham quan làng nghề, di tích lịch sử văn hóa… Trong thời gian thành phố sẽ nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Du lịch Hòa Bình

Tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến cho Hội thảo, các chuyên gia về du lịch, các nhà quản lý, các nhà đầu tư và công ty du lịch lữ hành đều khẳng định, thành phố Hòa Bình có nhiều tiềm năng phát triển sản phẩm du lịch, nổi bật là du lịch Hồ Hòa Bình và du lịch cộng đồng - trải nghiệm không gian văn hóa Mường. Tuy nhiên, cần phải có những nghiên cứu cụ thể để đánh giá và khai thác hợp lý các giá trị của Văn hóa Mường, để thu hút khách du lịch trong và ngoại nước đến với thành phố…

Bên cạnh đó, các đại biểu đưa ra một số khuyến nghị nhằm khai thác, phát triển bền vững các sản phẩm du lịch thành phố Hòa Bình trong thời gian tới. Ngoài ra, trong Hội thảo, các đơn vị doanh nghiệp, công ty lữ hành đã tham gia ký kết ghi nhớ hợp tác trong hoạt động phát triển du lịch. 

Du lịch Hòa Bình

Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ghi nhận những kết quả mà ngành du lịch thành phố Hòa Bình đã đạt được. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu, trong thời gian tới thành phố cần nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường; Bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; Trao đổi với các địa phương để tìm giải pháp phát triển du lịch; Thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá mở rộng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; Tiếp tục dành nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.