Làng nghề tò he độc nhất Việt Nam

12:10 15/10/2016
Nằm phía Nam thủ đô Hà Nội, làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên từ lâu đã nổi tiếng với nghề nặn tò he độc nhất vô nhị ở nước ta. Nặn tò he không chỉ là một ngành nghề mưu sinh của người dân mà giờ đây đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Tò he là một loại đồ chơi dân gian của trẻ em Việt Nam đã có từ hơn 300 năm nay. Theo những nghệ nhân trong làng kể lại, trước đây người dân thường lấy gạo hoặc nếp giã mịn, hấp chín rồi tạo màu. Sau đó đem nặn thành hình những con vật, đồ vật ngộ nghĩnh và xinh xắn. Về sau, sản phẩm được gắn vào chiếc kèn ống, khi thổi phát ra âm thanh “tò te” và từ đấy dân gian nói lái thành “tò he”.

Tò he xuất hiện ở khắp mọi nơi đặc biệt là miền Bắc

Và làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên là làng nghề nặn tò he nổi tiếng nhất. Theo cách của người dân trong làng Xuân La, nguyên liệu chính để làm tò he là bột gạo trộn với nếp theo tỉ lệ 10 phần gạo 1 phần nếp. Đem hỗn hợp ngâm vào nước rồi xay nhuyễn, luộc chín và nhào đều tay. Sau đó vắt bột ra từng cục nhỏ và nhuộm màu từng cục. Những màu cơ bản là vàng, đỏ, đen và xanh. Từ những màu cơ bản để tạo ra nhiều màu khác lúc nặn tò he.

Màu sắc của tò he được làm rất tự nhiên từ những hoa quả trong tự nhiên như: gấc, dành dành, củ nghệ, cây nhọ nội hoặc có thể đốt rơm rạ… Từ những nguyên liệu đơn giản trong nông nghiệp qua tay những nghệ nhân tài hoa đã biến hóa trở thành những con vật ngộ nghĩnh, nhưng nhân vật cổ tích, …Tò he đã góp phần nuôi dưỡng tâm hồn ngây thơ của trẻ nhỏ và cốt cách của người dân Việt. Hiện tại, người ta thường dùng bột màu công nghiệp vì tiện ích hơn, đỡ phức tạp hơn.

Các nghệ nhân nặn tò he thường phải xa nhà, rong ruổi trên các con phố, phiên chợ để bán hàng

Vì nhu cầu của khách hàng nên các nghệ nhân nặn tò he thường phải xa nhà, rong ruổi trên các con phố, phiên chợ để bán hàng . Hành trang của họ chỉ là một con dao nhỏ, vài que tre, một cái lược và một thùng xốp để trưng bày tò he. Hình ảnh những người nông dân với thao tác thành thục nặn nên những đồ vật bằng thứ bột dẻo dẻo ấy đã là hình ảnh quen thuộc trong mắt người dân Việt Nam và trở thành một nét đẹp đối với du khách quốc tế.

Hi vọng, một ngày không xa, Xuân Lan sẽ trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng và được rộng rãi du khách tới tham quan góp phần gìn giữ những giá tri văn hóa của đất nước nghìn năm văn hiến.

Xem thêm: Độc đáo làng nghề khảm trai truyền thống