Xây dựng thương hiệu làng nghề cần được đẩy mạnh

12:10 04/10/2019
Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng thương hiệu làng nghề là một biện pháp hữu hiệu không chỉ hồi sinh làng nghề mà còn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ra các thị trường tiềm năng. 
 Từ Cá kho làng Vũ Đại đến Non nước Ngũ Hành Sơn

Những năm gần đây, ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nên một số làng nghề truyền thống quan tâm thực hiện. Có thương hiệu trên thị trường giúp việc tiêu thụ sản phẩm được tốt hơn, đời sống của người lao động cũng được nâng cao.

Làng Vũ Đại là tên một ngôi làng trong bộ phim nổi tiếng được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nhà văn Nam Cao mà bối cảnh là làng Hoàng Đại (thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - quê hương của cố nhà văn Nam Cao). Khoảng từ đầu những năm 2000, nghề kho cá của làng đã giúp nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. 


Năm 1998, ông Trần Luận bắt đầu khởi nghiệp với món ăn truyền thống này khi thấy có nhiều người muốn đặt làm quà biếu. Ông chia sẻ : “Nhưng nhờ những nồi cá kho của gia đình, các con đang học đại học giới thiệu và chuyển món cá kho đến với nhiều khách hàng Hà Nội, ai ăn cũng khen ngon, rồi người nọ truyền tai người kia đặt mua nên cũng có thêm thu nhập, nuôi con ăn học và trả nợ dần”. Năm 2009, chàng trai Trần Bá Nghiệp mày mò quảng bá đặc sản này trên Internet qua các trang tin rao vặt, nhờ đó khách hàng biết đến nhiều hơn nhưng chỉ bán được 257 sản phẩm. Năm 2010, Nghiệp quyết định giúp gia đình lập 1 trang web bán hàng riêng , số lượng đơn hàng nhờ đó tăng vọt. Để bạn bè quốc tế được biết đến cá kho Đại Hoàng, trang web của gia đình ông còn có mục tiếng Anh giới thiệu.

Năm 2014, cơ sở Trần Luận cùng món cá kho gia truyền làng Vũ Đại đã được Google lựa chọn để đại diện cho Việt Nam tham dự chương trình “Help Small Business think Big” tại Singapore. Cùng với sự thành công của cơ sở cá kho Trần Luận, nhiều hộ gia đình trong làng cũng học tập và thoát nghèo từ nồi cá kho.

Nằm dưới chân núi Ngũ Hành Sơn huyền thoại, làng đá mỹ nghệ Non Nước (TP. Đà Nẵng) đã có đến hàng trăm năm lịch sử hình thành và phát triển. Đây được xem là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời ở địa phương. Mặc dù vậy, những năm trước đây làng nghề vẫn chỉ được biết đến theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Việc xây dựng thương hiệu làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước chưa được quan tâm đúng mức.

Sau đó, Hội làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước - Ngũ Hành Sơn được thành lập. Ngay sau khi thành lập, hội đã cùng với VCCI chi nhánh Đà Nẵng xây dựng đề án xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu làng nghề.


Đặc biệt, hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức cuộc thi sáng tác logo cho làng nghề và tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu đá mỹ nghệ Non Nước. Năm 2013, có 3 nghệ nhân của làng nghề được công nhận là nghệ nhân ưu tú. Đến năm 2014, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Từ khi có thương hiệu chung cho làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, việc sản xuất, kinh doanh ở đây đã “phất lên” trông thấy. Đời sống của những người lao động được nâng lên. Nhiều sản phẩm đá mỹ nghệ tinh xảo đã ra đời và được đưa đi tiêu thụ ở các địa phương trong cả nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài.

Chưa mặn mà với... thương hiệu

Có thể nói, việc xây dựng được thương hiệu đã góp phần quan trọng để các làng nghề truyền thống ở một số vùng miền đã được quan tâm và đẩy mạng quảng bá. Đặc biệt, trong hoàn cảnh cạnh tranh trên thị trường ngày càng khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế những làng nghề xây dựng, đăng ký được thương hiệu như cá kho làng Vũ Đại hay đá mỹ nghệ Non Nước Ngũ Hành Sơn cũng mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề còn gặp khó như quy mô nhiều làng nghề ở khu vực còn nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả hàng nhái xuất hiện khiến mất uy tín làng nghề. Thậm chí, ở một số làng nghề lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Trong khi đó, để làng nghề tồn tại, phải gắn liền với cuộc sống của người dân rồi mới tính đến chuyện xây dựng thương hiệu.


Ngoài nguyên nhân do quy mô nhỏ lẻ, ngay bản thân một số làng nghề đang làm ăn được cũng không mặn mà mấy với việc xây dựng thương hiệu. Cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, hay công tác quảng cáo, tiếp thị... Điều này, khiến cho các làng nghề có thể tồn tại chứ khó có sự phát triển.

Thậm chí, có những làng nghề đã xây dựng được thương hiệu chung, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận, nhưng việc kêu gọi các hộ sản xuất, kinh doanh tham gia cũng gặp khó. Thêm vào đó, mặc dù đã được chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, song đến nay vẫn có nhiều hộ kinh doanh tự cho rằng mình chỉ hoạt động nhỏ lẻ, không cần phải đăng ký kinh doanh thương hiệu.

Điều này, đồng nghĩa với việc họ chấp nhận sản phẩm của mình sẽ không được bảo hộ trong một thương hiệu chung. Có thể nói, để các làng nghề truyền thống “sống” được trong giai đoạn hiện nay, chỉ riêng vấn đề xây dựng thương hiệu thôi cũng đã lắm trăn trở, băn khoăn.